CHUYÊN MỤC

Thông tin nghiệm thu cấp tỉnh dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai”

01/08/2022

Thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

I. Thông tin chung
1. Tên nhiệm vụ “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai”.
2. Tổng kinh phí: 8.000 triệu đồng. Trong đó:
- Ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương: 1.950 triệu đồng.
- Ngân sách sự nghiệp khoa học cấp tỉnh: 0 triệu đồng.
-  Kinh phí từ sự nghiệp khoa học địa phương: 2.000 triệu đồng.
- Kinh phí từ nguồn khác (đối ứng của người dân): 4.050 triệu đồng.
3. Thời gian thực hiện: 36 tháng kể từ tháng 06/2018 đến hết tháng 06/2021.
Điều chỉnh đến tháng 6/2022 theo Văn bản số 121/SKHCN-QLCS ngày 19/02/2021 của Sở KH&CN về việc phê gia hạn thời gian thực hiện dự án.
4. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ
Đơn vị thực hiện nhiệm vụ: Phòng NN&PTNT huyện Chư Prông. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Từ Ngọc Thông.
5. Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức nghiệm thu
Thời gian: Dự kiến tháng 08 năm 2022. Địa điểm: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai.
II. Nội dung của nhiệm vụ
1. Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ
Đã tiếp nhận và hoàn thiện các Quy trình tái canh cà phê vối ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống nước; Quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn theo hướng VietGAP; Quy trình thâm canh cây bơ.
2. Xây dựng các mô hình
2.1. Mô hình tái canh cà phê vối, áp dụng giống mới và hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước
Giống: Cây cà phê ghép giống TRS1. Địa điểm: xã Ia Bang, Ia Drang, Ia Kly, Ia Phìn, Ia Boòng, huyện Chư Prông. Quy mô: 5 ha (mỗi địa điểm 01 ha).

2.2. Mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP

Giống tiêu: Vĩnh Linh. Quy mô: 2 ha. Mỗi xã chọn 01 vườn tiêu trong giai đoạn kinh doanh (diện tích mỗi vườn 0,5 ha). Địa điểm: xã Ia Bang, Ia Kly, Ia Drang, Ia Phìn, huyện Chư Prông
2.3. Mô hình trồng xen và cải tạo vườn tạp bằng các giống bơ mới trái vụ đã được công nhận
Giống: TA1 và Booth 7. Địa điểm: xã Ia Pia, Ia Bang, Ia Kly, Ia Phìn, huyện Chư Prông. Quy mô: 20 ha mô hình, trong đó có 15 ha trồng xen và 5 ha cải tạo vườn tạp.
2.4. Sản xuất và chuyển giao giống mới
Tiến hành sản xuất 35.000 cây giống bơ TA1, Booth 7 và 30.000 cây giống cà phê ghép đạt tiêu chuẩn trồng phục vụ hỗ trợ giống mới cho sản xuất và các mô hình tái canh. Địa điểm: xã Ia Bang, Ia Drang, Ia Kly, Ia Phìn, Ia Pia, Ia Boòng, huyện Chư Prông.

3. Công tác đào tạo kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn và hội thảo đầu bờ

3.1. Kết quả đào tạo kỹ thuật viên
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông tổ chức Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở cho 10 học viên. Giúp nâng cao trình độ chuyên môn về trồng trọt và bảo vệ thực vật; trang bị kỹ năng quản lý và nhân rộng mô hình.
3.2. Tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ
Nhằm nâng cao kỹ năng cho nông hộ trong nắm bắt tốt kỹ thuật tái canh cà phê, trồng và chăm sóc hồ tiêu và cây bơ, trong thời gian thực hiện dự án, Ban quản lý dự án, Đơn vị chủ trì, Đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ đã phối hợp tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ thuật với số người tham gia là 200 lượt người; tổ chức 3 hội thảo đầu bờ với số người tham gia là 100 lượt người; tổ chức 03 hội nghị nghiệm thu mô hình với 150 lượt người tham gia.
III. Sản phẩm đã hoàn thành
Báo cáo tổng kết dự án.
Quy trình công nghệ chuyển giao.
Các mô hình tái canh cà phê; sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP; trồng xen và cải tạo vườn tạp; sản xuất và chuyển giao gióng mới.
Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở; Tập huấn nông dân; Hội thảo đầu bờ.

IV. Hiệu quả  kinh tế, xã hội và môi trường của nhiệm vụ

1. Hiệu quả kinh tế
- Mô hình tái canh cà phê: Vụ thu hoạch bói, tính trên 1 ha cà phê, thu được 66 triệu đồng, với mức chi phí trung bình khoảng 43,295 triệu đồng, lợi nhuận là 22,705 triệu đồng/ha. Ước tính hiệu quả kinh tế ở các mô hình cà phê tái canh trong giai đoạn kinh doanh ổn định (năm thứ 4 đến thứ 6) lợi nhuận trung bình từ 67,8 - 83,5 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt 44,7 - 93,8% và cao hơn so với đối chứng, khoảng 10 - 20% và hiệu quả kinh tế của việc áp dụng mô hình so với đối chứng là 20,2 - 98,0%. Ngoài ra, các mô hình tái canh cà phê cà phê vối, áp dụng giống mới và hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước đã thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghệ cao, giảm áp lực về nhân công lao động, chi phí đầu tư thấp và làm tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
- Mô hình sản xuất tiêu theo hướng VietGAP: Năng suất trung bình đạt 4,75 tấn khô/ha, lợi nhuận 96,515 đến 288,975 triệu đồng/mô hình, tỷ suất lợi nhuận đạt 68,2 đến 170,0%, cao hơn từ 20 - 40% so với đối chứng và hiệu quả kinh tế khi áp dụng mô hình tăng thêm so với đối chứng là 27,3 - 193,0%. Hơn thế nữa, các mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP đã làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất hồ tiêu an toàn. Ngoài ra, các mô hình được áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước đã thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghệ cao, giảm áp lực về nhân công lao động, chi phí đầu tư thấp và làm tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
- Mô hình trồng xen và cải tạo vườn tạp: Ước tính tổng thu nhập trên 01 ha trồng xen giống bơ ghép trái vụ (TA1 và Booth 7) và giống bơ thường trong vườn cà phê, tổng thu nhập của nông hộ cao gấp trên 2 lần so với những giống bơ thường đang được trồng tại địa phương, bắt đầu từ năm trồng thứ 3 đến năm thứ 5 có thể thu được từ 30 - 80 triệu đồng/ ha, từ năm trồng thứ 6 đến năm thứ 9 có thể thu được từ 110 - 180 triệu đồng/ha. Tương tự ở mô hình trồng xen, mô hình cải tạo vườn tạp mang lại thu nhập 1,1 - 1,6 triệu đồng/cây bơ, điều này góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ dân, đặc biệt đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập không ổn định tại địa phương.
2. Về hiệu quả xã hội
Việc triển khai thực hiện các mô hình tái canh cà phê, sản xuất tiêu theo hướng an toàn theo hướng VieGAP, mô hình trồng xen các giống bơ chín muộn trong vườn cà phê và cải tạo lại vườn tạp sẽ là cơ hội tăng thêm thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, kích cầu thị trường tiêu dùng các sản phẩm sạch, an toàn, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả, phá bỏ hướng sản xuất nông nghiệp theo từ độc canh sang đa dạng sản phẩm hàng hóa trên cùng một diện tích. Đặc biệt thông qua các lớp tập huấn, hỗ trợ cây giống mới cà phê, bơ ghép cho bà con nghèo sẽ có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, dân trí được nâng cao, giải quyết công ăn việc làm và nhân rộng được mô hình thông qua việc hỗ trợ về công nghệ giống mới cho người nghèo không có khả năng mua.
3. Về hiệu quả môi trường
Dự án áp dụng quy trình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước, tăng cường sử dụng các loại phân chuồng, hữu cơ, hạn chế và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép, thay vào đó tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học đảm bảo tính an toàn cho môi trường, sức khỏe người lao động và tiết kiệm nguồn nước tưới, do đó cải thiện tốt điều kiện môi trường, phục hồi sức khỏe của đất và từng bước phát triển bền vững.
Việc trồng xen các loại cây ăn quả như cây bơ vừa mang lại thu nhập tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất, thích ứng với biến đổi khí hậu và còn có ý nghĩa trong trong bảo vệ môi trường, giảm khí phác thải nhà kính so với trồng độc canh cây cà phê.
Thông tin bài: Lan Phương
 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
icontop.png