CHUYÊN MỤC

Thông tin nghiệm thu cấp tỉnh dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất một số loại cây nông nghiệp tại huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai”

16/06/2022

thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

I. Thông tin chung
1. Tên nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất một số loại cây nông nghiệp tại huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai”.
2. Tổng kinh phí: 4.090 triệu đồng. Trong đó:
- Ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương:  1.350 triệu đồng.
- Ngân sách sự nghiệp khoa học cấp tỉnh: 960 triệu đồng.
-  Kinh phí từ sự nghiệp khoa học địa phương: 390 đồng.
- Kinh phí từ nguồn khác (đối ứng của người dân): 1.390 triệu đồng.
3. Thời gian thực hiện: từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2021.
Điều chỉnh đến tháng 5/2022 theo Văn bản số 120/SKHCN-QLCS ngày 19/02/2021 của Sở KH&CN về việc phê gia hạn thời gian thực hiện dự án.
4. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ
Đơn vị thực hiện nhiệm vụ: Phòng KT&HT huyện Đak Pơ. Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Thị Bích Liên.
5. Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức nghiệm thu
Thời gian: Dự kiến tháng 07 năm 2022. Địa điểm: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai.
II. Nội dung của nhiệm vụ
1. Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ
Đã tiếp nhận và hoàn thiện các Quy trình công nghệ Kỹ thuật trồng thâm canh cây ngô lai; Quy trình Kỹ thuật trồng thâm canh cây sắn; Quy trình Kỹ thuật trồng thâm canh cây chuối mốc địa phương.
2. Xây dựng các mô hình
2.1. Mô hình trồng thâm canh ngô lai
- Mô hình trồng thâm canh ngô trong 03 năm 2019, 2020 và 2021 đã thực hiện 32 hộ (12 hộ làng Mông, 12 hộ làng Bung, 3 hộ làng Ghép và 5 hộ làng Brang Đak Kliết) tham gia xây dựng mô hình với 20 ha sử dụng 02 giống (Bioseed 18 ha và NK66 2 ha).
- Giống sử dụng: Giống ngô lai NK 66 và Bioseed, đây là 2 giống ngô đơn, có ưu điểm hơn các giống đang được người dân sử dụng ở địa phương (như giống LVN 10, ...) là ngắn ngày (90-95 ngày), cho năng suất cao (70-80 tạ/ha), hạt có dạng hình bán ngô đá, màu vàng tươi nên được thị trường mua giá cao hơn, đặc biệt có khả năng chống chịu sâu, bệnh và chịu hạn khá...
2.2. Mô hình trồng thâm canh cây sắn
- Mô hình trồng thâm canh sắn trong hai năm 2019 và 2020 đã chọn được 20 hộ/ 20 ha, trong đó làng Tờ Số có 5 hộ, làng Groi 5 hộ, làng Brang là 1 hộ và làng Mông 4 hộ, 3 làng Đak gia, 2 làng Kliết và 1 làng Ghép sử dụng giống KM94 18 ha và 2 ha sử dụng giống KM98-5.
- Giống sử dụng là giống KM94 và KM98 - 5 là 2 giống sắn được Bộ Nôn nghiệp và PTNT cho phép sản xuất ở các vùng sinh thái trong cả nước. 2 giống có đặc đặc điểm nổi trội là năng suất cao (30- 35 tấn trong điều kiện thâm canh), hàm lượng tinh bột cao 27,4 - 29%, tỷ lệ chất khô 40,1% và chỉ số thu hoạch 56,5%...
2.3. Mô hình trồng thâm canh cây chuối mốc
- Mô hình trồng thâm canh cây chuối mô với quy mô 5 ha xuống giống vào tháng 9/2019. Mô hình trồng thâm canh cây chuối chồi với quy mô 5 ha đã xuống giống tháng 10/2019.
- Giống sử dụng: sử dụng giống chuối mốc địa phương, với 50% giống chuối trách chồi từ vườn chuối sạch bệnh và 50% từ nuôi cấy mô nhằm hạn chế sâu bệnh hại lan truyền từ cây mẹ đặc biệt là bệnh Panama.
3. Công tác đào tạo kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn và hội nghị đầu bờ
3.1. Kết quả đào tạo kỹ thuật viên
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cùng với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đak Pơ tổ chức Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở cho 10 học viên. Các học viên được chọn là cán bộ khuyến nông xã, cán bộ nông nghiệp tham gia dự án, khuyến nông viên và nông hộ sản xuất điển hình. Đây chính là lực lượng cán bộ chủ chốt để giúp nông dân trong vùng dự án giải quyết những vấn đề kỹ thuật sau khi dự án kết thúc.
3.2. Tập huấn kỹ thuật và hội nghị đầu bờ
Nhằm nâng cao kỹ năng cho nông hộ trong kỹ thuật thâm canh tổng hợp ngô lai trên đất lúa kém hiệu quả, trong thời gian thực hiện dự án, Ban quản lý dự án, Đơn vị chủ trì, Đơn vị chuyển giao công nghệ đã phối hợp với UBND xã Ya Hội tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật với số người tham gia là 200 lượt người và 5 hội nghị đầu bờ với số người tham gia là 250 lượt người. Thời gian tổ chức tập huấn kỹ thuật trước mỗi vụ trồng và tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ vào cuối vụ.
III. Sản phẩm đã hoàn thành
Báo cáo tổng kết dự án.
Quy trình công nghệ chuyển giao.
Các mô hình tưới trồng thâm canh ngô lai, trồng thâm canh cây sắn, trồng thâm canh cây chuối mốc.
Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở; Tập huấn nông dân.
IV. Hiệu quả  kinh tế, xã hội và môi trường của nhiệm vụ
1. Hiệu quả kinh tế
Sau 03 năm triển khai mô hình, tổng sản lượng ngô của 20,0 ha mô hình đạt 141,96 tấn, tăng 1,96 tấn so mục tiêu sản phẩm của dự án đề ra, năng suất trung bình đạt 70,98 tạ/ha (vượt 0,98 tạ/ha so với mục tiêu của dự án đề ra). Giá bán trung bình của  ngô là 6,150 đồng/kg do đó tổng doanh thu của 20,0 ha mô hình thâm đạt 872,867 triệu đồng; tổng sản lượng sắn của 20,0 ha mô hình đạt 612,10 tấn, tăng 12,10 tấn so mục tiêu sản phẩm của dự án đề ra, năng suất trung bình đạt 31,10 tấn/ha (vượt 1,10 tấn/ha so với mục tiêu của dự án đề ra). Giá bán trung bình của sắn là 1,650 đồng/kg do đó tổng doanh thu của 20,0 ha mô hình đạt 1.024,950 triệu đồng; tổng sản lượng chuối của 10,0 ha mô hình đạt 304,00 tấn, tăng 4,00 tấn so mục tiêu sản phẩm của dự án đề ra, năng suất trung bình đạt 31,64 tấn/ha (vượt 1,64 tấn/ha so với mục tiêu của dự án đề ra). Giá bán trung bình của chuối là 6.000đồng/kg do đó tổng doanh thu của 10,0 ha mô hình đạt 1.838,400 triệu đồng.
Lợi nhuận mang lại trong kỳ dự án là 1.025.644.000 đồng, cụ thể:
- Mô hình trồng thâm canh ngô lai: 20 ha x 7.995.00 đồng/ha =159.894.000 đồng.
- Mô hình trồng thâm canh sắn: 20 ha x 15.718.000 đồng/ha =314.35.000 đồng.
- Mô hình trồng thâm canh chuối: 10 ha x 55.140.000 đồng/ha = 551.400.000 đồng.
2. Về hiệu quả xã hội
Kết quả đạt được của dự án đã chứng minh cho nông dân trực tiếp tham gia hoặc vùng lân cận thấy được hiệu quả sản xuất ngô, sắn và chuối mốc khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội, qua đó, thay đổi dần nhận thức của người nông dân trong canh tác, giảm thiểu áp lực việc di cư lao động tự do từ vùng nông thôn đến thành thị và góp phần ổn định dân sinh và kinh tế - xã hội vùng dự án.
3. Về hiệu quả môi trường
Trong quá trình triển khai dự án, Cơ quan chủ trì và cơ quan chuyển giao công nghệ đã tập trung chuyển giao các giải pháp kỹ thuật chủ yếu là: Sử dụng giống sạch bệnh, mật độ gieo trồng hợp lý, đầu tư phân bón cân đối, canh tác trên đất dốc hạn chế giảm xói mòn bằng sử dụng các tàn dư thực vật và thân lá vụ trước để che phủ cho ruộng (không đốt), phòng trừ sâu bệnh hại theo quản lý dịch hại tổng hợp. Đây là những giải pháp đã được chứng minh là một trong những giải pháp tối ưu để giảm thoái hóa đất thông qua giảm thiểu xói mòn trên đất dốc, giảm rũi ro do nắng hạn, cho năng suất ổn định hơn trong điều kiện canh tác nước trời, phù hợp với điều kiện đầu tư của người dân nghèo miền núi. Chính vì vậy, các mô hình trong dự án góp phần nâng cao tính bền vững về môi trường sản xuất nông nghiệp vùng dự án.
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
icontop.png