CHUYÊN MỤC

Cải tiến quy trình sản xuất giống nấm linh chi

24/02/2016

Sáng kiến “Sản xuất giống cấp 2 nấm linh chi sử dụng môi trường que sắn” của kỹ sư Võ Văn Vinh và các cộng sự ở Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ tỉnh Gia Lai đã góp phần tạo ra giống thương phẩm giá rẻ và sản xuất ra quả thể nấm đạt chất lượng cao, to đều, đẹp. 

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Võ Văn Vinh cho biết: “Trước đây, Trung tâm đã áp dụng theo quy trình: sản xuất giống gốc; nhân giống cấp 1, sử dụng môi trường thạch nghiêng; nhân giống cấp 2, sử dụng môi trường hạt thóc; cấy sang dịch phôi nuôi trồng. Trong quá trình nhân giống, Trung tâm đã gặp phải rất nhiều khó khăn, tỷ lệ thành công chỉ đạt 40% nên giá thành cung cấp cho các trại nuôi trồng cao”.
Sau một thời gian mày mò phân tích tỉ mỉ từng công đoạn, kỹ sư Võ Văn Vinh và cộng sự đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo đó, quá trình nhân giống ở môi trường hạt thóc dễ xảy ra dư thừa hoặc thiếu độ ẩm khiến sợi nấm phát triển yếu, thậm chí không phát triển được. Sợi nấm ăn lan từ miệng bịch phôi xuống đáy bịch lâu nên thời gian ươm sợi và phân hủy mùn cưa chậm dẫn đến quả thể nấm không to. Thao tác cấy phải gạt từng hạt vào miệng bịch tốn thời gian, bị rơi ra ngoài làm hao hụt giống. Côn trùng, chuột cắn phá bịch phôi, có khi làm tổ trong khu vực ươm sợi…

Từ đó, kỹ sư Võ Văn Vinh cùng cộng sự đã mạnh dạn thử nghiệm quy trình mới: Thay đổi giống cấp 1 dùng môi trường thạch sang môi trường dạng hạt; giống cấp 2 từ môi trường hạt sang môi trường que sắn. Mục đích là để tăng nhanh sinh khối hệ sợi nấm vì môi trường hạt dễ phân tán hơn môi trường thạch nên khi chuyển sang nhân giống cấp 2 hệ sợi nấm phát triển nhanh và mạnh. Với que sắn, anh Vinh cho biết nên sử dụng cây sắn đã thu hoạch củ có đường kính 3-4 cm là tốt nhất, không sử dụng cây đã bị mốc, mọt hoặc mục, non. Sau đó, dùng dao bào hết lớp vỏ bên ngoài, cưa thành khúc có độ dài 8 cm, chẻ mỗi khúc thành 6-8 que nhỏ có kích thước tương đối đều nhau (gọi là que sắn) rồi phơi các que sắn ngoài trời nắng cho khô hoàn toàn, đựng trong bao để sử dụng dần. Khi xử lý tuyệt đối không sử dụng hóa chất chống mối, mọt, mốc.

Về phương pháp xử lý, theo anh Vinh, cần ngâm que sắn trong nước vôi 5% khoảng 12-16 giờ, rửa qua nước lạnh 3-4 lần cho sạch, luộc sôi 15 phút, vớt ra để nguội rồi trộn với cám gạo 5%, cám bắp 5%, điều chỉnh độ ẩm khoảng 65-70%. Khi hấp khử trùng que sắn thì sử dụng loại bịch nhựa PP chịu nhiệt có kích thước 16x26 cm, xếp que sắn vào, phía miệng bịch nhét nút bông làm cổ nút và bọc giấy báo trên đầu bịch hấp thanh trùng ở nhiệt độ 1210C, thời gian hấp 60 phút, để nguội tiếp tục cấy giống cấp 2. Về tỷ lệ nhân giống, từ một chai giống cấp 1 môi trường hạt nhân ra được 25 bịch giống cấp 2 môi trường que sắn. Khi cấy sang bịch phôi, dùng panh kẹp từng que giống cắm vào bịch mùn cưa, cứ mỗi bịch một que giống.

Sau khi thử nghiệm, quy trình và cách làm trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc nhân giống cấp 2 sử dụng môi trường que sắn đạt được 5.500 bịch mùn cưa nguyên liệu/ống giống gốc (quy trình cũ chỉ đạt 3.000 bịch/ống giống gốc). Từ đó giá thành giảm xuống còn 50.000 đồng/bịch nguyên liệu (quy trình cũ 70.000 đồng/bịch nguyên liệu). Ngoài ra, quy trình này còn giúp tiết kiệm thời gian nhân giống được 5 ngày cho một lần làm ra được một mẻ nguyên liệu cung cấp cho các trại nuôi trồng. Công cấy giống cũng tiết kiệm rất lớn. Trước đây một ngày công cấy giống chỉ làm được 600 bịch phôi. Bây giờ dễ thao tác nên mỗi ngày công làm được 2.000  bịch phôi.

Cũng theo quy trình này, năng suất đồng đều hơn quy trình cũ. Với cùng điều kiện sản xuất, khi sử dụng theo phương pháp mới, tỷ lệ bịch phôi đạt yêu cầu lên 80-99% (quy trình cũ chỉ đạt trên 50-90%). Ngoài ra, quả thể nấm to, dày, đều, đẹp. Vì vậy, các đơn vị được Trung tâm chuyển giao công nghệ đều có nhận xét, bịch phôi nuôi trồng có tốc độ lan sợi nhanh và đồng đều nên quả thể nấm linh chi to, đẹp, năng suất cao.

Kỹ sư Võ Văn Vinh cho biết thêm: Quy trình mới của chúng tôi sử dụng que sắn làm môi trường nhân giống cấp 2 nấm linh chi là rất phù hợp, làm lợi cho Trung tâm cũng như các đơn vị nhận chuyển giao công nghệ. Sử dụng cây sắn thay cho lúa là để tận dụng phế thải trong nông nghiệp, dễ áp dụng, hiệu quả kinh tế cũng như kỹ thuật cao. Sắp tới chúng tôi nghiên cứu thêm là sử dụng thân cây cao su thay thế que sắn khi nguồn cây sắn khan hiếm.
Hương Trà
Nguồn: Gia Lai Online
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
icontop.png