Nhãn hàng hóa điện tử: Minh bạch thông tin, chống gian lận xuất xứ

Nhãn hàng hóa điện tử: Minh bạch thông tin, chống gian lận xuất xứ

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, bởi vậy việc sử dụng nhãn hàng hóa điện tử cũng là lẽ tất nhiên, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Nhãn điện tử là cần thiết trong quá trình tiến tới số hóa đối với quản lý sản phẩm hàng hóa.

Sự cần thiết của nhãn điện tử

Hiện nay, dự thảo “Thông tư Quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử” đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hoàn thiện và lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, một lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, việc ban hành Thông tư là vô cùng cần thiết trong quá trình tiến tới số hóa đối với quản lý sản phẩm hàng hóa:

Thứ nhất, việc sử dụng nhãn điện tử giúp tinh gọn kích thước. Ví dụ, với những sản phẩm kích thước nhỏ, chúng ta không thể ghi nhiều nội dung thông tin trên sản phẩm trong khi thông tin phải truyền tải đến người tiêu dùng đầy đủ. Hay đối với hướng dẫn sử dụng ô tô, việc in ấn rất tốn kém, thay vì đó chúng ta sử dụng nhãn điện tử sẽ khắc phục được vấn đề này;

Thứ hai, sử dụng nhãn điện tử giúp doanh nghiệp cập nhật bổ sung dữ liệu dễ dàng. Đối với nhãn vật lý, mỗi lần thay đổi doanh nghiệp phải in lại toàn bộ thông tin nhãn, tuy nhiên, với nhãn điện tử, doanh nghiệp có thể đăng nhập vào hệ thống và thay đổi thông tin cho phù hợp;

Thứ ba, nhãn điện tử chứa đựng được nhiều dữ liệu. Nếu như nhãn vật lý chỉ chứa được dữ liệu text thì nhãn điện tử còn chứa đựng được cả hình ảnh, âm thanh, thậm chí video giới thiệu về sản phẩm, qua đó truyền tải thông điệp, thay đổi ngôn ngữ rất dễ dàng;

Thứ tư, nhãn điện tử hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu; Thứ năm, nếu sử dụng nhãn điện tử thì đây cũng là một trong những công cụ quản lý nhà nước giúp minh bạch thông tin, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, nhãn điện tử giúp quản lý đến từng sản phẩm đơn nhất. Với mã truyền thống, chúng ta chỉ quản lý được loại mặt hàng, nhưng với mã điện tử thì mỗi sản phẩm sẽ có được cấp một mã duy nhất, giúp quản lý từng sản phẩm, đồng thời chống nạn hàng giả, hàng nhái.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ghi nhãn bằng phương thức điện tử là thông tin được hiển thị qua phương tiện điện tử kết nối với hàng hóa theo chỉ dẫn cụ thể trên nhãn. Thực tế trên thế giới đã có nhiều nước triển khai áp dụng như Hoa Kỳ, Australia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc...

Nhãn điện tử không thay thế cho nhãn vật lý, bởi những thông tin cơ bản vẫn cần thiết thể hiện trên nhãn vật lý như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể đồng thời ghi các thông tin cơ bản nêu trên trên nhãn điện tử.

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cũng cho hay, theo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Theo đó, nhãn hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu bắt buộc phải thể hiện các nội dung cụ thể trên nhãn vật lý gắn trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm theo quy định.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn vật lý gắn trên sản phẩm, nhất là những sản phẩm nhỏ khó có thể đáp ứng yêu cầu ghi đầy đủ các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng. Do đó, với nhu cầu về thông tin sản phẩm hàng hóa ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và internet kết nối vạn vật (IoT), việc áp dụng ghi nhãn theo phương thức điện tử đối với sản phẩm hàng hóa nói chung đã và đang được các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng và áp dụng.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Quay lại