Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020

Chiều ngày 21/8/2020, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020. Tham dự buổi làm việc với Đoàn giám sát, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Duy Vượt – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ayun H'Bút – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Tống Thới Mốc – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Nam Hải – Phó giám đốc Phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc
    Trong giai đoạn 2011-2020, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân đã được tích cực triển khai. Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của KH&CN ngày càng được nâng lên.
    Nhiều cơ chế chính sách về phát triển KH&CN đã được kịp thời triển khai áp dụng tại địa phương. Tỉnh đã ban hành các quyết định nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương để triển khai thực hiện tại địa phương như: Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND; Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND, Chỉ thị số 06/CT-UBND,... Công tác lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch và phân bổ ngân sách được thực hiện đúng theo quy định, bám sát các mục tiêu ưu tiên phát triển của tỉnh trên cơ sở các định hướng nghiên cứu hàng năm, đặt hàng các nhiệm vụ cấp thiết nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế của tỉnh. Việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện các văn bản chính sách pháp luật được thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
image004.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Hải – PGĐ Phụ trách Sở KH&CN báo cáo công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN
tại Gia Lai giai đoạn 2011-2020
    Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, an ninh quốc phòng được ổn định. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nhờ đổi mới trong công tác quản lý khoa học, ngành KH&CN có điều kiện thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, phù hợp với thực tiễn của tỉnh; các đề tài, dự án được triển khai ngày càng bám sát nhu cầu thực tiễn và mang tính ứng dụng cao; trong đó, tỷ lệ các đề tài, dự án do địa phương chủ động đề ra nhằm giải quyết những vấn đề đang được quan tâm tại địa phương ngày càng tăng.
    Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai 96 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và 258 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở với tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN hơn 281.485 triệu đồng; Tỉnh đã trình và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai trên địa bàn tỉnh 14 nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2020 với kinh phí 72.687 triệu đồng.
    Các đề tài, dự án phát triển KH&CN triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, tác động sâu rộng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các giải pháp phát triển KH&CN cũng đã được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện từ đổi mới cơ chế đến tăng cường các nguồn lực và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ triển khai cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặt biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước giảm thiểu các luật tục, hủ tục trong vùng đồng bào DTTS. Các mô hình điểm, mô hình trình diễn về áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã phục vụ tích cực yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng. Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng bền vững. Cơ sở vật chất, tiềm lực cho KH&CN được đầu tư, nâng cao năng lực ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phân tích, kiểm nghiệm chất lượng, sản phẩm, hàng hóa. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, kinh phí đầu tư hằng năm tăng lên đáng kể.
    Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc nhân rộng các mô hình, đề tài, dự án KH&CN trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn; việc chuyển giao KH&CN vào thực tế còn chưa nhiều. Việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách, dự án vùng DTTS ở một số địa phương còn lúng túng; trình độ cán bộ cơ sở còn mỏng, hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án được giao.
image006-(1).jpg
Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
    Trong khuôn khổ buổi làm việc, để triển khai thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh triển khai Chương trình Nông thôn miền núi, ưu tiên triển khai tại các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao; nâng mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ khó khăn khi tham gia dự án thử nghiệm nhằm triển khai rộng rãi công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm giúp người dân thuận lợi trong sản xuất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất và nhân rộng các mô hình, dự án sau khi nghiên cứu.
image008-(1).jpg
Đồng chí Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
    Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng chí Hà Ngọc Chiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai nên tập trung nguồn ngân sách KH&CN vào việc nhân rộng các kết quả từ nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất và đời sống, nhất là vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã phục vụ tích cực yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng.
image010-(1).jpg
Đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc
    Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, những nội dung mà tỉnh đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc là cơ sở thực tiễn để Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổng hợp và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ mang tính xác đáng, khả thi nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn Mới và giảm nghèo bền vững./.​
Bài và ảnh: Anh Văn

Quay lại