CHUYÊN MỤC

Khoa học công nghệ - nền tảng, động lực cho phát triển

17/09/2020

(ĐCSVN) - Các quan điểm chiến lược lớn về khoa học và công nghệ một lần nữa được nhấn mạnh và làm rõ trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ngày 31/8/2020) về “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".



(ĐCSVN) - Các quan điểm chiến lược lớn về khoa học và công nghệ một lần nữa được nhấn mạnh và làm rõ trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ngày 31/8/2020) về “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”. Và khoa học và công nghệ được xác định là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”, góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn tới. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các mục tiêu đó là: "Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Như vậy có thể thấy, việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tiến kịp và ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ của nhân loại trong xây dựng đất nước là một trong những phương hướng, nhiệm vụ hàng đầu của nước ta trong giai đoạn mới.

Nền tảng cho sự phát triển

Thực tế cho thấy, bên cạnh chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, vai trò của khoa học và công nghệ được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong chỉ đạo, định hướng của người đứng đầu đất nước.

 
 

Khi bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều… Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Vai trò của khoa học và công nghệ tiếp tục được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991-2011), Đảng ta đã chỉ rõ: Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu. Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động; nâng cao trình độ quản lý, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường - sinh thái, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển kinh tế; góp phần tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước…

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012). Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển khoa học và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời “ưu tiên và tập trung mọi nguồn nhân lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ”.

Tiếp tục cụ thể hóa nhận thức này, Điều 62, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Theo đó, đến nay Quốc hội đã ban hành 8 đạo luật chuyên ngành, đặc biệt là Luật Khoa học và công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua; Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 và các văn bản pháp lý khác đã tạo điều kiện thúc đẩy môi trường sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển.

Góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế

Khoa học và công nghệ đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước. Đáng chú ý là khoa học tự nhiên đã có kết quả đáng kể về nghiên cứu cơ bản, một số lĩnh vực có thế mạnh như toán, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong ASEAN; khoa học ứng dụng có khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị nội địa theo tiêu chuẩn quốc tế, có năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao trong một số ngành như: điện, điện tử, dầu khí, đóng tàu, xây dựng, y tế, thông tin và truyền thông... Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia. Trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng cao, xếp thứ 28. Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, còn năm 2019 đứng thứ 42/129 quốc gia. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Trong nông nghiệp, khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 ước đạt 40,02 tỷ USD; tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 17 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, cà phê, hạt điều). Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

Trong công nghiệp, xây dựng, giao thông, các nhiệm vụ khoa học công nghệ chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế…

Đặc biệt, từ một quốc gia ở thế tiếp nhận và viện trợ bị động, Việt Nam đã dần trở thành đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong các quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương về khoa học và công nghệ. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học và công nghệ; ký kết và thực hiện hơn 70 hiện định, thỏa thuận hợp tác cấp Chính phủ và ngành. Mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ hiện có ở 21 địa bàn trọng điểm ở 12 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp về khoa học cho đất nước.

Nhân viên y tế làm xét nghiệm COVID -19. Ảnh: Việt Linh 

Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực...Thực tiễn được chứng minh qua đại dịch COVID-19. Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, ngành khoa học và công nghệ đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ  phục vụ phòng, chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận như việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 được công nhận về chất lượng để sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Các tổ chức khoa học và công nghệ của nước ta cũng đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, kháng thể đơn dòng và vắc xin...Việt Nam cũng đã sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công nhiều loại robot phục vụ chăm sóc y tế cho người nhiễm bệnh.

Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, đến nay một số chủ trương lớn về khoa học và công nghệ được nêu trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước chưa đạt được yêu cầu, như đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Năng suất lao động trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam còn rất thấp. Tác động của khoa học và công nghệ đối với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.

Các xếp hạng quốc tế về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta đều ở mức thấp, thí dụ: Chỉ số chính phủ điện tử xếp hạng 88/193 quốc gia (LHQ năm 2018); chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo xếp thứ 90/100 và chỉ số vốn con người xếp thứ 70/100, chỉ số về nguồn lực bền vững xếp thứ 87/100 (Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018)…

Giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn

Trong khi đó, dù đạt được những kết quả rất đáng tự hào, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ trong bài viết“Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", đó là: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”. Hiện các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ, chứ không cạnh tranh bằng kỹ năng, nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ, vì vậy khoa học công nghệ phải đi trực tiếp vào xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, góp phần tạo ra các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao để tăng tính cạnh tranh. Điều này có nghĩa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ cho quốc gia nào tận dụng được những yếu tố, điều kiện thuận lợi của nó. Ngược lại, nếu quốc gia bị gạt ra bên ngoài tiến trình vận động của nó thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là thách thức, thậm chí là lực cản dẫn tới sự tụt hậu.

Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”.

Trước các thách thức này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây là giải pháp quan trọng để hiện thực mục tiêu “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền tinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước…”.

 Hoạt động sản xuất tại công ty Omron Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore 2. Ảnh: Tiểu My

Vì vậy, khoa học và công nghệ phải là khâu đột phá trong “xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số”. Đây không chỉ là chủ trương gợi mở cho Đại hội XIII sắp tới, mà còn là những định hướng nhiệm vụ khái quát, có tầm chiến lược dài hạn, xuyên suốt trong thời gian dài sắp tới về khoa học và công nghệ nước nhà.

Để triển khai chủ trương này một cách hiệu quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được các yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên thực hiện. Đồng thời chỉ rõ mức độ gắn kết của khoa học và công nghệ với tư cách là động lực phát triển đất nước và để thực hiện thành công cần phải cụ thể hóa thành những chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm các hành động phù hợp với thực tế và bối cảnh đất nước. Trước mắt là các tác động mạnh mẽ, khó lường và diễn biến nhanh chóng của tình hình Biển Đông, của đại dịch COVID-19 và của biến đổi khí hậu.

Và mục tiêu quan trọng nhất là khoa học và công nghệ phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại giải quyết hiệu quả các vấn đề của thực tiễn trên nền tảng khoa học – công nghệ hiện đại./. 

Theo dangcongsan.vn

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
icontop.png