CHUYÊN MỤC

Bộ KH&CN đồng hành cùng tỉnh Gia Lai trong ứng dụng và đổi mới công nghệ, hướng tới phát triển bền vững

18/03/2019

Ngày 07/3, Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế địa phương. Buổi làm việc do ông Trần Văn Tùng - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Võ Ngọc Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Gia Lai chủ trì.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có: ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương và ông Ngô Xuân Bình - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật.

Về phía UBND tỉnh Gia Lai có: bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư,... và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, kinh phí đầu tư cho Khoa học và Công nghệ hiện chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng chi ngân sách của Tỉnh. Sở KH&CN đã bám sát Nghị quyết, Chương trình làm việc, các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh, Bộ KH&CN, tham mưu cho UNBD Tỉnh đề xuất 04 dự án tham gia các chương trình do Bộ KH&CN chủ trì và quản lý, hướng dẫn triển khai 34 nhiệm vụ cấp tỉnh, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 


Toàn cảnh buổi làm việc
 

Với những nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hiện nay tại Gia Lai có trên 20,000 ha cây công nghiệp đã được ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp đã và đang ứng dụng sản xuất thông minh, công nghệ mới vào chế biến nông sản (Công ty Olam, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Tập đoàn Trường Sinh, v.v.), nhiều đơn vị như Nhà máy đường An Khê, Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai, v.v. đang đi đầu trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, hiện Gia Lai vẫn còn nguồn tiềm năng lớn cần được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.

Theo Đồng chí Võ Ngọc Thành, dư địa phát triển của Gia Lai còn rất lớn với trên 1600km2 đất đỏ bazan thích hợp cho nhiều loại cây trồng, điều kiện thời tiết thuận lợi; quỹ rừng lớn với hai khu sinh quyển có diện tích trên 100,000 ha đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Trong đó Vườn Quốc gia Con Ka Kinh có đặc thù tiểu khí hậu rất phù hợp để trồng sâm Ngọc Linh; diện tích đất nông nghiệp lớn với trên 500,000 ha trồng các loại cây công - nông nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, chanh dây, v.v. Để khai thác các tiềm năng này có vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết một cách căn cơ các vấn đề còn tồn tại về giống cây trồng, quy trình canh tác, chuyển giao và áp dụng các công nghệ chế biến phù hợp.

Nhiều nội dung về khoa học và công nghệ tại địa phương cũng được trao đổi, thảo luận như: hoạt động chia sẻ thông tin dữ liệu khoa học và công nghệ quốc gia; cơ chế thanh quyết toán cho các công trình nghiên cứu; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khung hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận và tán thành nhiều đề xuất xác đáng của các đơn vị, các đại biểu, đồng thời đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh Gia Lai.

Đặc biệt, hai bên đã thống nhất tổ chức sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ TechDemo 2019, một trong những sự kiện thường niên nổi bật do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai dự kiến vào tháng 11/2019 tới đây. Sự kiện hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu bước phát triển sâu rộng trong hoạt động hợp tác giữa Bộ KH&CN và tỉnh Gia Lai./.    

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ



ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
icontop.png